Ông Trump đã được cảnh báo về sự nguy hiểm của virus corona, nhưng phản ứng chậm chạp của Nhà Trắng đã khiến nước Mỹ trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử.
Sau này khi viết về lịch sử của đại dịch Covid-19, các nhà sử học chắc chắn sẽ nhắc đến ngày 20/1/2020 vì đây là một cột mốc rất quan trọng. Trong ngày hôm đó, một người đàn ông 35 tuổi ở bang Washington, Mỹ, mới trở về sau khi thăm gia đình ở Vũ Hán, Trung Quốc và trở thành người đầu tiên nhiễm virus corona tại Mỹ.
Cũng trong ngày hôm đó, cách Mỹ 8.000 km, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên cũng được xác nhận ở Hàn Quốc. Virus corona xuất hiện ở hai nước cùng một thời điểm, nhưng đó là thứ duy nhất tương đồng giữa Mỹ và Hàn Quốc. Trong hai tháng kể từ ngày định mệnh đó, các phản ứng để đối phó với virus của Mỹ và Hàn Quốc là hoàn toàn trái ngược.Tổng thống Trump đang phải nhận nhiều chỉ trích trước cách chính quyền của ông ứng phó với dịch Covid-19. Ảnh: AFP. Hàn Quốc và Mỹ – hai thái cựcTrong khi một quốc gia hành động nhanh chóng và quyết liệt để phát hiện và cô lập virus, qua đó gần như đã kiểm soát được cuộc khủng hoảng, quốc gia còn lại lưỡng lự, chần chừ, bị vướng vào những sự hỗn loạn và rối rắm, cũng như bị phân tâm bởi những ý tưởng cá nhân của nhà lãnh đạo. Hiện tại, quốc gia thứ hai đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, với số ca tử vong tăng nhanh chóng.Một tuần sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc đã mở cuộc họp với 20 công ty tư nhân, thông báo với họ rằng hãy coi đây tương đương với một cuộc họp thời chiến, và yêu cầu những công ty này phát triển bộ kit xét nghiệm virus corona với tốc độ ánh sáng. Một tuần sau đó, bộ kit xét nghiệm đầu tiên được phê duyệt và đưa vào cuộc chiến, giúp phát hiện những người nhiễm bệnh để sau đó cách ly họ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.Sau khi thực hiện tới 357.896 xét nghiệm trong vòng một tháng, Hàn Quốc có thể coi là đã kiểm soát thành công dịch bệnh với số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ trên dưới 100 trường hợp, trong khi tổng số ca nhiễm chưa chạm mốc 10.000 và số ca tử vong mới chỉ là 152 trường hợp.Ở nước Mỹ câu chuyện là hoàn toàn khác. Hai ngày sau khi bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được xác nhận ở bang Washington, ông Trump lên sóng trong chương trình của đài CNBC và nói rằng: “Chúng ta đang hoàn toàn kiểm soát nó. Chỉ là một người đến từ Trung Quốc. Mọi thứ sẽ ổn thôi”.Một tuần sau đó, tờ Wall Street Journal, trong chuyên mục góc nhìn, đã xuất bản bài viết của hai cựu quan chức y tế trong chính quyền Trump với tựa đề: “Hãy hành động ngay lúc này để ngăn chặn một đại dịch ở Mỹ”. Bà Luciana Borio và ông Scott Gottlieb đưa ra một loạt các lựa chọn về những gì cần phải làm tức thời để tránh một thảm họa y tế.
Hàn Quốc nâng cao khả năng xét nghiệm trong thời gian ngắn, giúp nước này kiểm soát được sự lây lan của virus corona. Ảnh: AFP.
Đứng đầu trong danh sách những khuyến cáo của họ là việc chính phủ phải hợp tác với khu vực tư nhân để phát triển bộ dụng cụ thử nghiệm dễ sử dụng, cho kết quả nhanh – điều mà Hàn Quốc đang làm.
Nhưng phải tới tận ngày 29/2, hơn một tháng sau bài báo của Wall Street Journal và gần 6 tuần sau khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ, chính quyền Trump mới thực hiện lời khuyên này.
6 tuần đầy lưỡng lự
6 tuần đó có khả năng sẽ đi vào lịch sử như một câu chuyện cảnh báo về hậu quả tàn khốc có thể xảy ra nếu không có sự lãnh đạo hiệu quả về mặt chính trị. Hiện tại số ca nhiễm virus corona ở Mỹ đã lên tới hơn 124.000 trường hợp, nhiều nhất thế giới và số ca tử vong cũng đã vượt mốc 2000 – tăng gấp đôi chỉ sau hai ngày.
Hơn một phần tư số ca nhiễm là ở thành phố New York – nơi hiện được coi là tâm chấn toàn cầu của đại dịch. Điều đáng lo ngại là quỹ đạo của dịch Covid-19 tại Mỹ tiếp tục leo cao nhanh chóng, và không có dấu hiệu của việc đã qua đỉnh dịch như ở Hàn Quốc.
“Phản ứng của Mỹ (trước virus) sẽ được nghiên cứu trong nhiều thế hệ, như một ví dụ của sách giáo khoa về nỗ lực thất bại thảm hại”, ông Ron Klain, người lãnh đạo cuộc chiến chống Ebola của Mỹ hồi năm 2014, nhận định.
“Những gì xảy ra ở Washington là sự thất bại với quy mô không thể tưởng tượng”, ông Klain nói thêm.
Ông Jeremy Konynduk, người lãnh đạo các kế hoạch ứng phó với thảm họa quốc tế tại USAid từ 2013-2017, cũng có nhận xét tương tự về quãng thời gian 6 tuần qua.
Các ca nhiễm tăng nhanh chóng ở thành phố New York, nơi có mật độ dân cư dày đặc và nay trở thành tâm dịch Covid-19 toàn cầu. Ảnh: Reuters.
“Chúng ta đang chứng kiến một trong những thất bại lớn nhất của quản trị và lãnh đạo cơ bản tại Mỹ trong thời hiện đại”, ông Konyndyk nhận xét. Theo ông, Nhà Trắng đã có tất cả thông tin cần thiết vào cuối tháng 1 để hành động quyết đoán, nhưng thay vào đó, Tổng thống Trump liên tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa, đổ lỗi cho Trung Quốc về cái mà ông gọi là “virus Trung Quốc”, và khẳng định rằng lệnh cấm du lịch tới Trung Quốc và châu Âu mà ông ban hành là tất cả những gì cần thiết để ngăn chặn khủng hoảng.
Tất nhiên là lệnh cấm di chuyển của ông Trump giúp cho chính quyền có thêm một chút thời gian để đối phó với virus. Nhưng điều đó càng khiến cho việc thiếu quyết đoán trong hành động trở nên khó hiểu hơn.
“Chúng ta đã không tận dụng hiệu quả quãng thời gian đó, đặc biệt là trong việc xét nghiệm. Chúng ta đã đóng vai những người lưỡng lự và chạy theo, từ đầu đến cuối”, ông William Schaffer, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Đại học Vanderbilt, nhận định.
Nút thắt xét nghiệm và sự yếu kém của CDC
Dưới góc nhìn của ông Schaffner, chậm chạp trong việc thực hiện xét nghiệm quy mô lớn “đã đặt chúng ta vào một tình huống cực kỳ bất lợi” ngay từ ban đầu.
“Điều đó đã không cho phép chúng ta, và vẫn không cho phép chúng ta, xác định được quy mô của virus trên đất nước này”, ông Schaffner nói thêm.
Mặc dù chính phủ đã cho phép các phòng thí nghiệm tư nhân sản xuất bộ dụng cụ và tham gia quá trình xét nghiệm, Mỹ vẫn đang tụt lại phía sau so với Hàn Quốc về năng lực xét nghiệm. Tới nay, tỷ lệ xét nghiệm trên đầu người ở Mỹ chỉ bằng 1/5 Hàn Quốc, trong khi dân số lớn gấp nhiều lần, khiến cho công tác dự đoán điểm bùng phát tiếp theo gần như là bất khả thi.
Ban đầu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) kiểm soát chặt chẽ quy trình xét nghiệm, từ phát triển bộ dụng cụ cho đến đưa ra các tiêu chí, khiến cho việc xét nghiệm trở thành một nút thắt cổ chai trong chiến dịch chống lại virus.
Việc CDC “ôm” cả việc sản xuất bộ dụng cụ và thực hiện quy trình xét nghiệm được cho là đã tạo một nút thắt trong công tác xác định quy mô của dịch bệnh tại Mỹ. Ảnh: AP.
“Tôi tin rằng CDC đã không sẵn sàng (trong tình huống này). Họ đang làm chậm cả bang”, ông Andrew Cuomo, thống đốc bang New York phát biểu hôm 7/3.
Sau đó, những bộ kit xét nghiệm bị lỗi do CDC phát triển là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chính quyền Trump đã thất bại khi tình huống y tế khẩn cấp diễn biến phức tạp hơn. Và nó cũng làm lộ ra những lỗ hổng to lớn trong cách các cơ quan chính phủ hoạt động dưới thời ông Trump.
Vào năm 2018, đơn vị đối phó đại dịch trong hội đồng an ninh quốc gia – nơi được giao nhiệm vụ lên kế hoạch chuẩn bị cho những tình huống y tế khẩn cấp mà dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình – đã bị giải thể. Việc loại bỏ cơ quan này đã góp phần vào sự phản ứng chậm chạp của chính quyền trước đại dịch, theo bà Beth Cameron, giám đốc cấp cao của nó tại thời điểm bị giải thể.
Việc đơn vị này bị giải thể là một phần trong xu hướng phổ biến trong chính quyền sau khi ông Trump vào Nhà Trắng, đó là sự chảy máu chất xám khi những quan chức lành nghề và giàu kinh nghiệm, những người biết họ đang làm gì, rời khỏi khu vực nhà nước.TÀI TRỢ
“Đã có sự xói mòn về chuyên môn, về sự lãnh đạo hiệu quả, ở các cấp quan trọng của chính phủ”, một cựu quan chức cấp cao chia sẻ với Guardian.
“Qua thời gian có rất nhiều sự hoảng loạn và nhiều người rời đi và chính phủ gặp khó khăn trong việc tìm người thay thế. Chẳng ai muốn làm việc ở đó cả”, quan chức này cho biết.
Hôm 10/2, 11 ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vì dịch Covid-19, Tổng thống Trump đề xuất cắt bớt 16% ngân sách của CDC.
Ông Schaffner, người rất trân trọng CDC, cho biết ông đã rất buồn khi thấy cơ quan này trở thành “người ngoài” trong vòng 2 tháng qua.
“Chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế công, và chẳng ai nghe thấy gì từ CDC – tổ chức y tế công hàng đầu thế giới”, ông Schaffner cho biết.
“Tôi phải làm gì đây?”
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nơi phê duyệt các bộ kit xét nghiệm và kiểm soát mọi phương pháp điều trị Covid-19, cũng đã cho thấy các lỗ hổng. FDA gần đây cho biết họ đang xem xét khả năng kê đơn thuốc chống sốt rét chloroquine cho những người nhiễm virus corona, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy nó có tác dụng và một số dấu hiệu cho thấy nó có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Quyết định này khiến các chuyên gia hoài nghi, vì ông Trump trước đó đã đích thân thúc đẩy các biện pháp điều trị chưa được kiểm nghiệm. Điều này cũng được coi là một phần trong làn sóng phản khoa học đang lây lan ở các cơ quan liên bang dưới thời ông Trump.
Tiến sĩ Anthony Fauci, viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, có chia sẻ rằng Tổng thống Trump “tự làm theo cách của mình” nhưng vẫn nghe lời ông trong một số vấn đề thực chất. Ảnh: AP.
Cựu quan chức chính quyền nhận định: “Chúng ta thấy FDA nhún nhường trước áp lực chính trị và đưa ra quyết định hoàn toàn trái ngược với khoa học hiện đại”.
Các công chức được kính trọng, với những thông tin khoa học hoàn hảo, đã đấu tranh để xuất hiện trước mặt tổng thống và đưa ra những thông tin chính xác. Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, gương mặt đáng tin cậy hiếm hoi trong chính quền vào lúc này, cũng đã bày tỏ sự mệt mỏi của ông.
Tuần này, ông Fauci được hỏi bởi phóng viên Jon Cohen của tạp chí Science, về việc làm sao mà ông có thể đứng sau tổng thống trong buổi họp báo hàng ngày và lắng nghe ông Trump nói với người dân Mỹ những thứ như là lệnh cấm du lịch Trung Quốc đã góp phần hiệu quả trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của virus.
Ông Fauce trả lời: “Tôi biết, nhưng bạn muốn tôi phải làm gì đây? Ý tôi nghiêm túc đấy, hãy thành thật với tôi, bạn muốn tôi làm gì?”.
Trong khung cảnh rối rắm này, việc quản lý khủng hoảng hàng ngày lại thường đến từ ông Trump thông qua Twitter. Tổng thống dường như quan tâm nhiều hơn đến thị trường chứng khoán New York và liên tục giảm nhẹ quy mô của cuộc khủng hoảng.
Vào ngày 30/1, khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì Covid-19, ông Trump đăng trên Twitter rằng: “Hiện chúng ta chỉ có 5 ca nhiễm. Hy vọng mọi thứ sẽ trở nên tuyệt vời”.
Hôm 24/2, ông Trump tuyên bố “virus corona đang được kiểm soát ở Mỹ”. Đến ngày tiếp theo, bà Nancy Messonnier, quan chức hàng đầu của CDC về bệnh hô hấp, đã sử dụng cách tiếp cận hoàn toàn khác để nói lên sự thật, cảnh báo người dân Mỹ về sự gián đoạn nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Ông Trump được cho là đã rất tức giận với lời bình luận này và tác động của nó lên giá cổ phiếu, đến nỗi ông đã hét vào điện thoại với Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cấp trên của bà Messonnier.
Một nhà xác dã chiến, được cấu thành từ những container đông lạnh, được chuẩn bị cho sự tăng vọt số ca tử vong có thể xảy ra trong những ngày tới ở New York. Tính đến ngày 29/3 đã có hơn 700 trường hợp tử vong vì Covid-19 ở thành phố. Ảnh: New York Times.
“Messonnier đã đúng 100%. Bà ấy đưa ra một đánh giá chính xác và trung thực”, ông Konyndyk nói với Guardian.
Việc ông Trump hét vào điện thoại với ông Azar được ông Konyndyk nhận xét là: “Điều đó cho thấy một thông điệp rõ ràng rằng điều gì được phép và không được phép nói”.
Khi mọi thứ trở thành thảm họa
Ông Konyndyk nhớ lại việc tham dự một cuộc họp vào giữa tháng 2 với các quan chức hàng đầu của chính quyền Trump trong đó chủ đề duy nhất của cuộc họp là các lệnh cấm du lịch. Đó là lúc mà ông bắt đầu tuyệt vọng về cách xử lý khủng hoảng của chính quyền.
“Tôi nghĩ rằng, ‘Chúa ơi!’, đâu là những thảo luận về việc bảo vệ các bệnh viện của chúng ta? đâu là những thảo luận về những nhóm cư dân có nguy cơ cao, hay sự giám sát để chúng ta có thể phát hiện virus ở đâu. Tôi biết là tổng thống đã đặt ưu tiên, và bộ máy đã tuân theo điều đó, nhưng đó là ưu tiên sai”, ông Konyndyk nói.
Và thế là mọi thứ trở thành thảm họa. Sau thảm họa thiếu hụt xét nghiệm là thảm họa thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân, thảm họa thiếu hụt giường bệnh và giờ là thảm họa máy thở.
Máy thở – thiết bị quan trọng để giữ gìn sự sống cho bệnh nhân trong dịch Covid-19 – đang bị thiếu hụt trầm trọng trên toàn quốc. Khi các thống đốc cầu xin ông Trump giải phóng toàn bộ nguồn lực của chính phủ để giải quyết vấn đề này, ông đã đưa ra một tuyên bố “xanh rờn” rằng: “Máy trợ thở, máy thở, tất cả các thiết bị – hãy cố gắng tự có được chúng”.
Tới nay, chính quyền liên bang mới gửi 400 máy thở cho New York, trong khi đó theo thống đốc Andrew Cuomo, bang này cần tới khoảng 30.000 máy thở để đối phó với tình hình dịch bệnh.
Do không có một phản ứng đủ mạnh của chính quyền liên bang, một loạt các nỗ lực đã xuất hiện trên khắp nước Mỹ để ứng phó với bệnh dịch. Các thống đốc thực hiện những kế hoạch của riêng họ, và các thành phố, thậm chí các bệnh viện riêng lẻ, đều đang đối phó tốt nhất có thể.
Thị trưởng New York Bill de Blasio bên cạnh những chiếc máy thở, thành phố đang thiếu số lượng lớn thiết bị này trong bối cảnh các ca nhiễm tăng vọt. Ảnh: New York Times.
Trong nỗ lực như vậy, các công ty khởi nghiệp từ thiện đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội, ông Konyndyk đã cùng với các chuyên gia cứu trợ thảm họa thành lập lên Covid Local, một hướng dẫn trực tuyến “nhanh chóng và đơn giản” để giúp mọi người chống lại virus.
“Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của tình trạng hỗn loạn trên 50 bang, vì hoàn toàn không có sự lãnh đạo của liên bang. Thật phi lý khi các viện chính sách và Twitter đang cung cấp nhiều hướng dẫn hành động hơn cả chính phủ liên bang, nhưng đó là tình trạng của chúng ta vào lúc này”, ông Konyndyk nói.
Bệnh viện New York thiếu thiết bị y tế khi đối mặt với dịch Covid-19 Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan mạnh tại Mỹ, thành phố New York đã trở thành tâm dịch lớn nhất. Các bệnh viện tại đó thiếu thốn vật tư y tế để chăm sóc bệnh nhân.
Sơn Trần
(theo Guardian)